Nền kinh tế Việt Nam - EU có tính bổ sung, hỗ trợ mạnh bởi Việt Nam xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được. Chính vì vậy, dư địa tăng trưởng về xuất khẩu cũng như hợp tác về kinh tế cũng như những lĩnh vực khác với EU là rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU - Ảnh: VGP
Ngành được hưởng lợi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn 7 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Về ngành kinh tế hưởng lợi, ông Tuấn Anh đánh giá với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ...) là rất đáng kể.
Những sản phẩm được kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường châu Âu như: dệt may, da giày, công nghiệp chế biến đồ gỗ, tin học, công nghệ thông tin, công nghiêp hóa dầu...cũng sẽ được hưởng những điều kiện thuế quan rất ưu đãi khi thực hiện cắt giảm trong những năm tiếp theo.
Về dòng vốn đầu tư từ châu Âu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định các nhà đầu tư châu Âu sẽ là những nhà đầu tư đầu tiên mà ngay sau khi hiệp định được ký kết sẽ có sự quan tâm rất nghiêm túc và có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ, thậm chí là đột biến ở tại Việt Nam, vì các điều kiện để phát triển thị trường là những điều kiện cơ bản đầu tiên để các nhà đầu tư xem xét.
"Việc thuận lợi hóa thương mại như vậy, các nhà đầu tư châu Âu có rất nhiều điều kiện để tiếp tục đầu tư tham gia phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tương đối ở Việt Nam hiện nay và trong đó có các tiềm năng phát triển trong tương lai. Chẳng hạn, công nghiệp chế biến thực phẩm, ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn như ôtô, điện tử… hay các ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ có các cơ hội để chia sẻ và phát triển ở Việt Nam", ông Tuấn Anh nói.
Một điểm thu hút của Việt Nam với dòng vốn châu Âu, được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đó là Việt Nam tham gia nhiều FTA kết nối với các thị trường khác như CPTPP, ASEAN với các đối tác… thì các nhà đầu tư châu Âu sẽ có điều kiện tiếp cận không chỉ với 100 triệu dân ở thị trường đang phát triển mạnh mẽ này mà còn 600 triệu dân ở thị trường khu vực ASEAN và còn rất nhiều quốc gia đối tác khác. Các nhà đầu tư châu Âu khai thác được các thuận lợi, ưu đãi của các hoạt động thương mại đối với các khu vực thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia.
Tính cộng hưởng hiệu quả và tiếp cận các thị trường, hoàn thiện thể chế sẽ giúp Việt Nam thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn.
Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang EU hơn 18,72 tỷ USD hàng hóa, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, châu Âu xuất khẩu sang Việt Nam cũng vượt con số 6,96 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tính trong 5 tháng, Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường này hơn 11,7 tỷ USD.
Doanh nghiệp đón cơ hội
Được nhận định là những ngành hưởng lợi nhất trong EVFTA, các doanh nghiệp thuỷ sản, dệt may đã sẵn sàng tâm thế tiếp cận thị trường 600 triệu dân của EU.
Ở ngành thủy sản, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Thủy Sản Trường Giang, nhận xét từ đầu năm 2019, dù chưa ký kết EVFTA, thị trường EU đã tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam tới hơn 30%. Nguyên nhân do sản phẩm ngày càng đáp ứng được chất lượng và phía EU có nhu cầu lớn với mặt hàng này. Với nền tảng đó, EVFTA sẽ là động lực bổ trợ để doanh nghiệp thủy sản trong nước xuất khẩu tốt hơn nữa sang các thị trường trong khối.
"Doanh nghiệp tôi xuất khẩu sang EU chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu, chủ yếu xuất sang Đức, Anh. Chưa rõ tác động của EVFTA ở mức độ như nào nhưng tôi tin tưởng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng", ông Văn nói.
Ở ngành dệt may, đại diện Tập Đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành với mức tăng trưởng hằng năm 7% - 10%, chỉ đứng sau Mỹ. Khi ký kết EVFTA, hàng dệt may Việt Nam được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy cơ hội sẽ nhiều hơn. Cũng như vậy, ngành da giày đang có ưu thế rất lớn tại thị trường EU và có triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu thêm nhờ EVFTA.
Tổng Công Ty Cổ Phần Phong Phú, việc xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - dệt - nhuộm may đã giúp doanh nghiệp này ứng biến linh hoạt theo từng biến động của thị trường. Với EVFTA, Lãnh đạo Phong Phú dự báo có thể là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp bứt phá hơn nữa trong thời gian tới. Trước khi có hiệp định này, hàng hóa Phong Phú như vải, sợi, khăn bông, sản phẩm may mặc thời trang... đã có mặt tại EU. Với cơ hội lần này, Phong Phú đặt kỳ vọng tăng thị phần và doanh thu gấp 2 - 5 lần hiện nay.
Tuy nhiên, EVFTA không phải là một bức tranh toàn màu hồn, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi các Hiệp định Thương mại tự do lớn như: EVFTA, CPTPP được thực hiện, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khi hàng rào thuế quan dần được cắt giảm; các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn; vấn đề sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, minh bạch hóa thông tin về lao động được đề cao…
Gạo Việt Nam sẽ bị gạo Thái Lan, Campuchia, Myamar cạnh tranh; thủy sản trong đó đặc biệt là tôm và cá tra của Việt Nam sẽ bị các sản phẩm của Agentina, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh cạnh tranh. Hàng loạt vấn đề đặt ra, trong đó vấn đề an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật cần được giải quyết sớm và triệt để.
Ngoài ra, nguy cơ hàng Việt bị "mượn danh" xuất sang EU cũng từng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Điều này gây ra nhiều hệ luỵ khiến hàng hoá Việt xuất vào EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Bạch Huệ - VnEconomy