Covid-19: Hồi chuông báo động đối với chuỗi sản xuất toàn cầu
Không phải chỉ đến khi Covid-19 xảy ra các nhà chiến lược, nhà đầu tư, nhà sản xuất mới nhận thấy sự phụ thuộc của sản xuất toàn cầu vào công xưởng của Thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, bởi Trung Quốc có nguồn nhân lực dồi dào nhất thế giới, nguồn nguyên liệu chủ động và khả năng đáp ứng xuất sắc tất cả các sức ép về tiến độ và khối lượng hàng hóa, các nhà đầu tư đều trì hoãn việc đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Và chính sự bùng phát của Covid-19, một hiện tượng bất khả kháng đối với các nhà đầu tư sản xuất, trở thành hồi chuông báo động về sự lệ thuộc của chuỗi sản xuất toàn cầu vào Trung Quốc.
Đối với ngành dệt may, sự bùng phát của dịch bệnh kéo theo tình trạng sản xuất cầm chừng tại Trung Quốc đã dẫn tới những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tất cả các hoạt động từ cung ứng nguyên liệu đầu vào và sản xuất cho tới vận chuyển đều bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế đi lại trong Trung Quốc và giữa Trung Quốc với các quốc gia khác. Trong khi đó một phần rất lớn các nhà máy nguyên liệu thô ở Trung Quốc tiếp tục sản xuất cầm chừng do tác động từ đợt nghỉ lễ kéo dài tại Trung Quốc Đại lục và hạn chế đi lại khiến công nhân chưa thể trở lại các nhà máy. Các thương hiệu thời trang như Uniqlo, Gap hay Nike đều đang đau đầu trước mối đe dọa thiếu hụt hàng tồn kho và sản phẩm cung ứng ra thị trường. Đơn cử như Uniqlo đã phải lùi việc ra mắt một số dòng sản phẩm mới như áo khoác Uniqlo U cho bộ sưu tập Xuân - Hè.
Covid-19 và gót chân Achilles của dệt may Việt Nam
Ngành dệt may của Việt Nam chắc chắn cũng không thể nằm ngoài cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng này, khi mà 60% nguyên vật liệu sử dụng cho ngành may mặc của Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Công ty May 10, nhà cung ứng cho các thương hiệu như GAP và Tommy Hilfiger, trung bình nhập khẩu 50% nguyên liệu thô từ Trung Quốc và đang gặp khó khăn với các đơn hàng giao vào tháng 3-4/2020. CTCP May Sài Gòn 3, nhà sản xuất cho Uniqlo và Nike, chỉ có đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất cho đến tháng 3. Các khó khăn này đều là hệ quả trực tiếp do tình hình bùng phát dịch Covid-19. Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, Việt Nam phải tiến hành đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc, hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Các khó khăn trong giao thương vận chuyển cộng hưởng với thực trạng khan hiếm hàng hóa do tình trạng sản xuất cầm chừng hiện nay tại Trung Quốc gây ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung - bài toán hóc búa với các nhà sản xuất dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải giảm giờ làm, kéo giãn công việc để có thể duy trì thời gian có việc cho người lao động. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ thì nguồn nguyên liệu chỉ có thể đáp ứng được đến hết tháng 2 và nếu tình hình hiện tại tiếp tục duy trì, nhiều doanh nghiệp rất có thể sẽ phải đóng cửa vào đầu tháng 3.
Các khó khăn trong giao thương vận chuyển cộng hưởng với thực trạng khan hiếm hàng hóa do tình trạng sản xuất cầm chừng hiện nay tại Trung Quốc gây ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung - bài toán hóc búa với các nhà sản xuất dệt may Việt Nam. (Ảnh minh họa: baodautu.vn)
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, tác động của dịch viêm phổi đối với ngành dệt may Việt Nam chưa thể dừng lại, kể cả khi dịch bệnh chấm dứt. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất tuy nhiên các phương án trên chỉ mang tính chất ứng phó trong ngắn hạn.
Tự chủ nguồn nguyên liệu: Nếu không phải bây giờ thì sẽ là khi nào?
Trong khi ngành dệt may hiện đóng góp hơn 12% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và được định hướng là một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế quốc gia, chúng ta lại đang bỏ ngỏ mắt xích quan trọng của ngành là khâu sản xuất vải. Sự phát triển thiếu tính bền vững này cũng ngăn cản hàng may mặc Việt Nam có thể tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại như EVFTA hay CPTPP khi mà các hiệp định đều có quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng dệt may là từ vải hoặc từ sợi trở đi. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta nhận thấy nhu cầu và sức ép về phát triển sản xuất vải như hiện nay.
Trong khi đó, Chính phủ đã ban hành và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực dệt may đặc biệt là các ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may. Tuy nhiên, do các quan ngại về vấn đề môi trường, ngành sản xuất vải đặc biệt là khâu nhuộm, các địa phương vẫn còn chần chừ và hạn chế tiếp nhận nhà đầu tư của mảng sản xuất này. Bên cạnh đó, để có thể tiếp nhận nhà đầu tư làm vải nói chung và dệt nhuộm nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng của các KCN cần nghiêm túc và chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đảm bảo nguồn cung nước và xử lý nước thải công suất lớn. Trên thực tế hiện nay, không có nhiều KCN có thể và sẵn sàng tiếp nhận lĩnh vực dệt nhuộm. Ngoại lệ có thể kể đến KCN Bảo Minh, KCN Texhong Hải Hà, KCN Dệt May Rạng Đông (Aurora IP). Trong đó, Aurora IP được định hướng từ khi hình thành dự án để góp phần phát triển chuỗi cung ứng bền vững của ngành dệt may Việt Nam, với mục tiêu Giai đoạn 1 của Dự án sẽ đầu tư sản xuất 1 tỷ mét vải mỗi năm. Đây cũng là một trong những dự án có công suất cung cấp nước và công suất xử lý nước thải “khủng” nhất hiện nay tại Khu vực miền Bắc. Với quy hoạch được định hướng ngay từ ban đầu cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm ưu tiên phát triển ngành dệt may, đặc biệt là sản xuất vải, Aurora IP tự hào góp phần tháo gỡ nút thắt về địa điểm đầu tư cho ngành dệt nhuộm nói riêng và cho ngành dệt may nói chung hiện nay tại Việt Nam.
AURORA IP tổng hợp từ
Nikkei Asian Review, VITAS, VNExpress,
Báo Công Thương và nhipcaudautu.vn