Có lẽ đến thời điểm này, phân khúc được đánh giá lạc quan nhất trên thị trường BĐS phải kể đến BĐS công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, NĐT ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp luôn ở mức cao. Đây cũng là phân khúc chiếm tỷ trọng hàng đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là lĩnh vực kinh doanh BĐS với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ.
Theo các chuyên gia trong ngành, hiện thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho, logistics và các dịch vụ hậu cần khác vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp Việt Nam cũng đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… Do đó, lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ.
Mới đây, UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 một khu công nghiệp mới có diện tích khoảng 380 ha, tại Xã Phạm Văn Hai, Huyện Bình Chánh. KCN này được thành lập sẽ đáp ứng được các điều kiện thuận lợi để xây dựng một KCN có tính chất chuyên biệt, ứng dụng công nghệ cao… Đồng thời tạo cơ hội cho TP thu hút thêm dòng vốn FDI thế hệ mới.
Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp dự báo là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Ông Neil MacGregor, Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam nhận định: Thị trường BĐS công nghiệp đang được đánh giá là điểm sáng trong năm vừa qua. Phân khúc này đặc biệt được cải thiện nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI ồ ạt vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất với hơn 60% giá trị đầu tư vào cả những doanh nghiệp sản xuất mới và cũ. Chính nhờ những chính sách nới lỏng hơn của nhà nước so với phân khúc mua bán nhà ở, thị trường BĐS công nghiệp đang cho thấy đà phát triển mạnh mẽ.
“Tính trên địa bàn Tp.HCM và các khu vực lân cận, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều các hoạt động và giao dịch mua bán, chuyển giao và cho thuê lại của các nhà xưởng theo yêu cầu- mô hình nhà xưởng được thiết kế và xây dựng theo yêu cầu của doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa diện tích sử dụng. Nhìn chung, thị trường BĐS công nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến và thu hút vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam”, ông Neil nhấn mạnh.
BĐS công nghiệp được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như: miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư. Đến nay trên cả nước có 326 KCN, Khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt hơn 74%. 88% các KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Khu Công Nghiệp tại Tỉnh Nam Định
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong năm 2020 và được đánh giá có nhiều lợi thế, khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019. Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các cụm, KCN của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước.
Hạ Vy - Nhịp Sống Kinh Tế