Một trong những mối lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU theo "con đường" EVFTA chính là quy định về quy tắc xuất xứ. Để tạo cơ sở pháp lý cho hàng Việt ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công thương vừa kịp thời ban hành thông tư quy định cụ thể về vấn đề này.
EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TL
Xuất xứ hàng hóa - bài toán khó nhất khi vào EU
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) việc thực thi Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế và DN nước ta bởi với 27 nước thành viên, EU sẽ luôn là một thị trường lớn, trọng điểm, mang tầm chiến lược đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, con đường để hàng Việt đến với thị trường châu Âu, tận dung hiệu quả cơ hội từ ưu đãi thuế quan trong EVFTA không hề đơn giản bởi Hiệp định này quy định và yêu cầu rất nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, Hiệp định EVFTA quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được gia công hoặc chế biến đáng kể và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR). Đồng thời, quy tắc cộng gộp cho phép Việt Nam và các nước thuộc EU được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước thành viên khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ EVFTA.
So với các FTA mà Việt Nam đang tham gia thì quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí cũng như các quy định kèm theo. Một số mặt hàng như dệt may, mực, bạch tuộc chế biến...được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, hay cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ…là những điểm mới trong Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, vào ngày EVFTA có hiệu lực, hàng hóa đang ở tại một nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định với điều kiện nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu.
Có thể khẳng định, yếu tố quan trọng bậc nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu vào EU khi thực thi hiệp định EVFTA chính là xuất xứ hàng hóa. Do đó, để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tận dung hiệu quả cơ hội ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi trên thực tế thì rất cần có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU cũng như quy định về quy tắc, xuất xứ hàng hóa từ EU vào Việt Nam.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý, chờ ngày "hái quả"
Sau gần 1 năm xây dựng dự thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công thương vừa chính thức ban hành Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA - cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O ưu đãi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo Bộ Công thương, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công thương ủy quyền.
Có thể thấy, thông tư này là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan ngay khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, Bộ Công thương còn đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trong Kế hoạch hành động với 4 nhóm hành động lớn là tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước đối tác tại EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực và chủ trương và chính sác đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để sớm nắm bắt và tận dụng cơ hội từ EVFTA, doanh nghiệp cần phải có những hiểu biết đúng đắn về quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT để không bỡ ngỡ hay nhầm lẫn khi áp dụng. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công thương cần tập trung vào các hoạt động phổ biến, tuyên truyền và giới thiệu thông tư này tới cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để thực thi đạt hiệu quả cao nhất./.
Thông tư số 11/2020/TT-BCT bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 08 Phụ lục ban hành kèm theo, quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA áp dụng với đối tượng là cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thương nhân.
Tố Uyên - Thời Báo Tài Chính Việt Nam
Khu Công Nghiệp Dệt May Rạng Đông - Aurora IP
Địa chỉ: Lô HC3, Đường N2, KCN Dệt may Rạng Đông, Thị trấn Rạng Đông, Huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định, Việt Nam
Điện thoại: (0228) 8856 886 - Hotline: 0839 899 988
Email: [email protected]
Fanpage: www.facebook.com/RANGDONG.AURORAIP