Theo các chuyên gia kinh tế, rất nhiều quỹ đầu tư rút vốn khỏi Việt Nam vì vấn đề bảo vệ môi trường. Ngày nay, với xu hướng “tiêu dùng xanh”, “tín dụng xanh”, các doanh nghiệp sẽ không huy động được vốn, không tiếp cận được các quỹ đầu tư, các ngân hàng lớn trên thế giới nếu mô hình kinh tế không “xanh”.
Muốn phát triển bền vững phải “xanh”
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Phát triển KTTH giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất.
Khu Công Nghiệp Dệt May Rạng Đông - Aurora IP nhận giải thưởng "Dự án khu công nghiệp tốt nhất năm 2020"
Heineken Việt Nam là một ví dụ được nhắc đến như một điển hình về KTTH tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện có 6 nhà máy sản xuất bia và 10 văn phòng tại Việt Nam, đang hỗ trợ tới 212.000 việc làm, đóng góp 0,95% GDP và xếp thứ 5 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách Việt Nam. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam cho biết, để góp phần chống biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện KTTH.
Hiện nay, 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Trong khâu đóng gói, 100% chai bia và két được sử dụng lại, 100% lon bia được tái chế. Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tái sử dụng. Trong khâu văn phòng và tổ chức các sự kiện, doanh nghiệp giảm 1% điện, 8% nước, 33% giấy. Ngoài ra, Heineken Việt Nam cũng tối ưu khâu phân phối sản phẩm, giúp giảm 2.000 tấn CO2; sử dụng 100% tủ lạnh xanh giảm 65% khí CO2; cải tiến trong bao bì giúp doanh nghiệp giảm 273 tấn giấy trong năm 2019.
Rõ ràng, việc thực hiện KTTH đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. “Hiện Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp, vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất”, bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho biết.
Công ty Unilever Việt Nam cũng là doanh nghiệp có nhiều sáng kiến trong thực hiện KTTH như thiết kế lại bao bì để hạn chế sử dụng đồ nhựa, tăng cường các mô hình phân loại rác, thu gom và tái chế rác thải nhựa. Unilever Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả bao bì sản phẩm của công ty đều sử dụng vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc tự phân hủy; cắt giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, cắt giảm dung lượng nhựa sử dụng và sử dụng nhựa tái chế; thu gom và xử lý hơn số lượng sản phẩm bán ra thị trường...
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, sau sự kiện Fomosa, rất nhiều quỹ đầu tư rút vốn khỏi Việt Nam vì vấn đề bảo vệ môi trường. Ngày nay, với xu hướng “tín dụng xanh”, các doanh nghiệp sẽ không huy động được vốn, không tiếp cận được các quỹ đầu tư, các ngân hàng lớn trên thế giới nếu mô hình kinh tế không “xanh”. Muốn phát triển bền vững, muốn vay vốn ưu đãi, các doanh nghiệp phải “xanh”, “sạch”.
Cơ hội và thách thức
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình KTTH sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc chuyển đổi sang KTTH là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển KTTH thuận lợi. Theo đó, Chính phủ đang khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển. Việt Nam đã và đang hướng đến cách mạng 4.0, áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và lượng chất thải lớn nên phát triển KTTH nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong phát triển KTTH ở Việt Nam. Đó là: nhận thức đúng về bản chất của KTTH; KTTH gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế. Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý, bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá KTTH. KTTH cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp chia sẻ, gắn kết các bên liên quan; phải có đội ngũ chuyên gia giỏi; công nghệ tái chế, tái sử dụng tốn kém...
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù KTTH là tương lai của doanh nghiệp nhưng vẫn là khái niệm còn mới. Trên thế giới chưa có nước nào có bộ luật hoàn chỉnh về kinh tế thị trường để hướng dẫn thực hiện. Trong khi đó, nhu cầu triển khai phát triển KTTH là hiện hữu trước mắt và cần có chỉ số rõ ràng để nhận diện, đo lường được tính tuần hoàn của doanh nghiệp.
Ông Vinh cho rằng, động lực để chuyển đổi KTTH chính là các yêu cầu của phát triển bền vững (đảm bảo các nhu cầu hiện tại và tương lai); bảo tồn đa dạng sinh học; mở ra các cơ hội việc làm); và giải quyết các vấn đề về ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Khu Công Nghiệp Dệt May Rạng Đông - Aurora IP tại Nam Định
Hướng tới KTTH, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) đưa ra mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong phát triển KTTH, mô hình khu công nghiệp sinh thái là một yêu cầu tất yếu bởi vấn đề bảo vệ môi trường cao hơn, tỷ lệ cây xanh đạt 25%, tái chế nước thải sử dụng lại cho sản xuất có thể tới 40%... Giải pháp cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái cũng là một trong những công cụ thực hành “kinh tế tuần hoàn” để phát triển bền vững. Chất thải của doanh nghiệp này có thể là nguyên liệu của một doanh nghiệp khác, giúp chu trình sản xuất khép kín, giảm thiểu rác thải, bảo vệ hệ sinh thái.
Theo Khoa Học Đời Sống
Khu Công Nghiệp Dệt May Rạng Đông - Aurora IP
Địa chỉ: Lô HC3, Đường N2, KCN Dệt may Rạng Đông, Thị trấn Rạng Đông, Huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định, Việt Nam
Điện thoại: (0228) 8856 886 - Hotline: 0839 899 988
Email: [email protected]
Fanpage: www.facebook.com/RANGDONG.AURORAIP