Thời gian qua, tỉnh xác định huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược là một trong các giải pháp đột phá quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Giai đoạn 2015 - 2020, trong tổng vốn 175 nghìn tỷ đồng tỉnh đã huy động đầu tư cho phát triển, nguồn vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, tăng bình quân 23%/năm. Nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp đã giúp tỉnh ta có điều kiện đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp gia tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, ngày càng được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm, tìm hiểu, lựa chọn Nam Định là điểm đứng chân.
Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp, hiện đã đưa vào cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp khai thác hạ tầng.
Điểm nhấn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược của tỉnh có thể kể đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN); hạ tầng cung ứng nước sạch cho người dân; nhà máy xử lý rác thải; hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch... Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại, hạ tầng các khu, CCN là lĩnh vực thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư nhất, gồm KCN Bảo Minh, KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, CCN Thịnh Lâm, CCN Yên Bằng, CCN Yên Dương... Một số CCN còn có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài như CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy) do Cty TNHH Quốc tế Kam Fung Việt Nam làm chủ đầu tư, CCN Yên Bằng (Ý Yên) do Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Nam - Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Lĩnh vực hạ tầng cung ứng nước sạch cho người dân cũng từng bước gia tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, nhất là tại khu vực nông thôn. Đến nay, ngoài 3 đơn vị, doanh nghiệp chủ đạo là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Định, Công ty CP Cấp nước Nam Định, tại các huyện đã có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nâng tổng số lên 53 nhà máy sản xuất nước sạch trên toàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đạt trên 5.500 tỷ đồng, cấp nước cho 204 xã, thị trấn. Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, xử lý rác thải đã thu hút được một số doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư như: Công ty CP Đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC (KCN Hòa Xá), Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực tại thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Công ty TNHH Môi trường đô thị Trực Ninh tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Công ty CP Năng lượng Greenity Nam Định đầu tư Nhà máy điện rác Greenity tại thành phố Nam Định. Đối với hạ tầng thương mại, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện lợi, khu dịch vụ thương mại trên cả địa bàn thành phố lẫn vùng nông thôn. Trong đó các tập đoàn, công ty bán lẻ lớn như GO!, Co.op Mart, Nguyễn Kim, Trần Anh... đã đầu tư xây dựng các siêu thị tại thành phố Nam Định. Một số doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng hệ thống chuỗi siêu thị có thương hiệu như Country Mart, Lan Chi Mart, Media Mart tại địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh... Hạ tầng thương mại phát triển đã thúc đẩy việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn; tạo điều kiện để người dân được tiếp xúc với kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa văn minh, hiện đại, có sự đảm bảo về giá cả, chất lượng hàng hóa.
Đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thu hút doanh nghiệp đầu tư các kết cấu hạ tầng chiến lược phải kể đến sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong hỗ trợ doanh nghiệp trong ngày từ khâu tìm hiểu, xúc tiến cũng như trong giai đoạn đầu tư, và hậu đầu tư, khai thác các công trình dự án. Trong đó đã tích cực hoàn thiện các quy hoạch phát triển quan trọng; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông để các doanh nghiệp thuận lợi tối đa trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp chính quyền trong tỉnh đều gia tăng tổ chức đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ xử lý, giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính, chủ động tìm ra những khiếm khuyết trong cơ chế, chính sách để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, tỉnh tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư; duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập; tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại các nước nằm trong các khối Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt tỉnh chú trọng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến trực tiếp với các tập đoàn, công ty có tiềm lực, quy mô lớn; tích cực quảng bá, truyền thông để các nhà đầu tư nắm bắt được thông tin về tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như thông tin về các yếu tố nhà đầu tư cần.
Đánh giá về công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, các nhà đầu tư đều có những nhìn nhận tích cực. Đại diện nhà đầu tư hạ tầng CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy) cho biết: “Ngay từ khi triển khai đến lúc hoàn tất thi công hạ tầng CCN giai đoạn 1 nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về hoàn tất thủ tục, vướng mắc, thay đổi đơn vị thi công phải hoãn, giãn tiến độ đầu tư. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định hỗ trợ tích cực nên Công ty đã khắc phục được khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm uy tín, năng lực thu hút và kịp thời cung ứng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp vào khai thác phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, Công ty đang tập trung thi công giai đoạn 2 dự án xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm”. Đại diện Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC cho biết: “Kể từ khi đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách thuế, miễn tiền thuê đất, tiền thuê tài sản gắn liền với đất của Trạm trung chuyển chất thải nguy hại tại KCN Hòa Xá. Do đó Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy xử lý chất thải quy mô lớn hơn trên địa bàn tỉnh”.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy các chương trình, biện pháp tích cực đã thực hiện; đồng thời gia tăng các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược. Trong đó, áp dụng linh hoạt các hình thức kêu gọi vốn đầu tư theo các hình thức xã hội hoá, hợp tác đối tác công tư (PPP); từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đầu tư. Xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hướng tới các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các tập đoàn lớn trong nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, công bố công khai danh mục các dự án khuyến khích đầu tư để huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới…
Với các giải pháp tích cực, đồng bộ kể trên, toàn tỉnh phấn đấu ngày càng tạo chuyển biến tích cực trong thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, tạo điều kiện cho tỉnh khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy - Báo Nam Định
Quý khách hàng quan tâm đầu tư tại Khu Công Nghiệp Dệt May Rạng Đông - AURORA IP tại Nghĩa Hưng, Nam Định vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: Lô HC3, Đường N2, KCN Dệt may Rạng Đông, Thị trấn Rạng Đông, Huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định, Việt Nam
Điện thoại: (0228) 8856 886 - Hotline: 0839 899 988
Email: [email protected]
Fanpage: www.facebook.com/RANGDONG.AURORAIP