Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI ngày 15/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vai trò động lực của chuyển đổi số trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Ông khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tổng Bí thư cho biết, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Việt Nam có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến, bản sắc. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực từ người lao động và toàn thể người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019, minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành và khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia. Sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh, với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động. Đến hết năm 2023, có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số đã vươn ra thị trường quốc tế, với doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022. Điều này không chỉ cho thấy năng lực và sự sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn chứng minh tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý hành chính công và đổi mới sáng tạo; xếp hạng 71/193 quốc gia về mức phát triển của chính phủ điện tử; 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một thực trạng đáng suy ngẫm trong phát triển kinh tế số của Việt Nam. Ông chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh, thứ 5 về linh kiện máy tính, thứ 6 về thiết bị máy tính, thứ 7 về gia công phần mềm và thứ 8 về linh kiện điện tử. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta đã nhìn sâu vào bản chất của những con số này chưa? Đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay chúng ta vẫn chỉ đứng ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu gia công cho nước ngoài?"
Tổng Bí thư phân tích thêm rằng phần lớn giá trị xuất khẩu thuộc về khu vực FDI. Chẳng hạn, 100% giá trị điện thoại và linh kiện xuất khẩu đến từ FDI, nhưng tới 89% linh kiện phải nhập khẩu. Ông lấy ví dụ về Samsung: tại Thái Nguyên, chỉ 5/60 doanh nghiệp cung ứng cấp I là của Việt Nam, con số này tại Bắc Ninh là 12/176. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ phụ trợ như an ninh, suất ăn công nghiệp, và xử lý rác thải.
Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc công nghệ nội địa chưa được nâng cao đáng kể từ khu vực FDI. Trên 80% doanh nghiệp FDI vẫn sử dụng công nghệ trung bình, 14% dùng công nghệ lạc hậu, và chỉ 5% áp dụng công nghệ cao. Ông kêu gọi phải thu hút FDI một cách chọn lọc hơn trong tương lai, tránh để Việt Nam trở thành cứ điểm "lắp ráp-gia công" hay "bãi rác công nghệ" của thế giới, trong khi doanh nghiệp nội địa không tận dụng được cơ hội học hỏi và phát triển.
Từ những vấn đề được nêu ra, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi các doanh nghiệp và địa phương tập trung vào giải pháp mang tính chiến lược để nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Một trong những điển hình nổi bật là Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông - Aurora IP tại tỉnh Nam Định.
Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông - Aurora IP tại tỉnh Nam Định
Đây là mô hình tiên phong trong việc giải quyết bài toán nguyên liệu, hướng tới sản xuất xanh và bền vững. Khu công nghiệp đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn với cam kết chuyển giao công nghệ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và nâng cao giá trị nội địa hóa. Các giải pháp như phát triển chuỗi cung ứng toàn diện, từ sản xuất nguyên liệu, dệt, nhuộm, đến may mặc, đều được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, Aurora IP còn chú trọng đến chuyển giao công nghệ hiện đại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, từ đó nâng cao trình độ sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đây là bước đi quan trọng để phá vỡ thế lệ thuộc vào gia công đơn thuần, giúp Việt Nam tiến lên những phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Aurora IP chính là minh chứng cho định hướng phát triển bền vững, kết hợp giữa kinh tế, công nghệ và môi trường. Đây là hình mẫu cần được nhân rộng để đưa Việt Nam trở thành quốc gia không chỉ làm chủ công nghệ mà còn có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị quốc tế.